Blog

Quy định và nguyên tắc cơ bản trong kế toán

Trong quá trình làm việc, kế toán cần tuân theo những quy định và nguyên tắc kế toán cơ bản để ghi chép các nghiệp vụ kinh tế. Bài viết dưới đây, Đào Tạo Newtrain sẽ làm rõ những quy định và nguyên tắc cơ bản trong kế toán.

1. Các quy định đối với công tác kế toán

– Đơn vị kế toán là các tổ chức được hình thành theo pháp luật của nhà nước, là nơi diễn ra các hoạt động về kiểm soát tài sản, tiến hành công việc thu nhận, xử lý, tổng hợp báo cáo và cung cấp thông tin.

– Đơn vị tiền tệ: là đồng Việt nam (đồng, VNĐ)

Đối với các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh là ngoại tệ: Phải qui đổi ra VNĐ theo tỷ giá hối đoái thực tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố và theo dõi cả nguyên tệ.

Trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp chủ yếu thu chi bằng ngoại tệ thì có thể sử dụng đơn vị kế toán là ngoại tệ, tuy nhiên phải thông báo với cơ quan thuế và báo cáo tài chính nộp cho cơ quan quản lý nhà nước và đưa ra công chúng phải quy ra đồng Việt Nam. (Quy định chi tiết tại Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC, điều 4 nghị định 174/2016/NĐ-CP và Điều 10 Luật kế toán 88/2015/QH13).

– Kỳ kế toán:

Là khoảng thời gian xác định từ thời điểm đơn vị bắt đầu ghi sổ kế toán đến thời điểm kết thúc ghi sổ, khoá sổ kế toán để lập báo cáo. Kỳ kế toán có thể là tháng, quý, năm

+ Kỳ kế toán năm: 12 tháng, từ 01/01 đến 31/12 năm dương lịch thường gọi là niên độ kế toán.

+ Kỳ kế toán quý: 3 tháng, tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý

+ Kỳ kế toán tháng: 1 tháng, tính từ ngày đầu tiên của tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng

Nguyên tắc kế toán

2. Các nguyên tắc kế toán cơ bản

Nguyên tắc giá gốc (giá phí): Nguyên tắc này yêu cầu khi xác định giá trị của tài sản phải được tính theo giá gốc, bao gồm toàn bộ chi phí doanh nghiệp chi ra để có được tài sản đó ở trạng thái sẵn sàng sử dụng.

Ví dụ: Năm 2014, doanh nghiệp mua một mảnh đất trị giá 1,2 tỷ đồng, năm 2018 giá trị mảnh đất theo thị trường tăng lên là 2 tỷ thì trên sổ kế toán của doanh nghiệp năm 2018 giá trị mảnh đất vẫn phải để 1,2 tỷ nếu không có bất cứ thay đổi để đánh giá lại tài sản nào.

Nguyên tắc nhất quán: Nguyên tắc này yêu cầu các quy định và phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán giữa các kỳ kế toán;

Ví dụ: Doanh nghiệp chọn phương pháp khấu hao cho xe ô tô là phương pháp khấu hao theo đường thẳng thì phải áp dụng khấu hao theo đường thẳng suốt quá trình sử dụng xe đó.

– Nguyên tắc dồn tích: Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi sổ kế toán vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi tiền, nhằm phản ảnh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ví dụ: Doanh nghiệp mua một lô hàng ngày 1/6/2018 nhưng chưa trả tiền người bán, hàng đã về đầy đủ vào ngày 1/6/2018. Ngày 20/10/2018 doanh nghiệp mới trả tiền người bán lô hàng này thì kế toán phải ghi tăng giá trị hàng hóa nhập kho vào ngày 1/6/2018, không quan tâm đến ngày thanh toán.

-Nguyên tắc hoạt động liên tục: Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình.

-Nguyên tắc phù hợp: Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó, doanh thu của kỳ nào được ghi nhận vào đúng kỳ đó.

Ví dụ khi ghi nhận một khoản doanh thu bán cái bàn là 5 triệu đồng, thì đồng thời bạn phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng để tạo ra cái bàn đó.

– Nguyên tắc thận trọng: Thận trọng là việc xem xét, cân nhắc, phán đoán cần thiết để lập các ước tính kế toán trong các điều kiện không chắc chắn.

Ví dụ: Khi hàng tồn kho có dấu hiệu giảm giá thì trong kỳ kế toán đó, kế toán phải lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho ngay mà không quan tâm đến việc khi nào bán hàng tồn kho.

-Nguyên tắc trọng yếu: Nguyên tắc này cho phép có thể có những sai sót, thiếu sót nhỏ trong quá trình hạch toán, nếu như những sai sót hoặc thiếu sót nhỏ này không làm sai lệch bản chất của sự kiện cũng như không làm ảnh hưởng đến tính trung thực và tính hợp lý của các báo cáo tài chính được lập. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.

Xem thêm: Tất tần tật những điều cần biết về chứng từ kế toán

Hướng dẫn chi tiết cách định khoản kế toán

Phân biệt tài sản nguồn vốn của doanh nghiệp

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button